star star star star star

[Nghiên cứu] So sánh Google AI Mode với Tìm kiếm truyền thống và các LLMs khác

avt
Anh Truong
09 tháng 7, 2025  

Google đã ra mắt chế độ AI Mode tại Hoa Kỳ vào tháng 5, và các chuyên gia SEO hiện đang phải đối mặt với một kỷ nguyên mới.

Trong nghiên cứu này, Semrush tìm hiểu cách mà Google AI Mode hoạt động và so sánh với hình thức tìm kiếm truyền thống của Google, AI Overviews, cũng như hai công cụ tìm kiếm sử dụng mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) hàng đầu hiện nay: ChatGPTPerplexity.

Các kết luận chính:

  • AI Mode ưu tiên liên kết ở thanh bên: Có tới 92% câu trả lời từ AI Mode hiển thị một thanh bên với khoảng 7 liên kết từ các tên miền khác nhau. Các liên kết này trùng khớp với kết quả tìm kiếm top 10 của Google ở mức 51% theo tên miền và 32% theo đường dẫn URL.
  • Liên kết tự nhiên (organic links) vẫn giữ vai trò quan trọng: Trong 7% truy vấn mà AI Mode hiển thị thêm liên kết bên dưới phần trả lời, mức độ trùng lặp với top 10 kết quả tìm kiếm của Google đạt 89% theo tên miền và 80% theo URL.
  • Reddit chiếm ưu thế: Nền tảng này xuất hiện thường xuyên như một nguồn tham khảo chính trong tất cả các mô hình ngôn ngữ mà họ khảo sát.
  • Mục đích truy vấn ảnh hưởng đến độ dài câu trả lời: Các truy vấn có mục đích thương mại thường dẫn đến câu trả lời dài gấp đôi so với những truy vấn mang tính cung cấp thông tin.
  • AI Mode có nhiều điểm tương đồng với ChatGPT hơn là AI Overviews: Điều này cho thấy AI Mode không chỉ là một phiên bản nâng cấp của AI Overviews, mà thực chất là một công cụ tìm kiếm mới được vận hành bằng trí tuệ nhân tạo, nhằm cạnh tranh trực tiếp với ChatGPT và các nền tảng sử dụng LLM khác.

Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu tập trung phân tích những gì?

Để đảm bảo tính đại diện cân bằng, Semrush lựa chọn từ khóa dựa trên bốn loại mục đích tìm kiếm chính và hai mức độ phổ biến khác nhau. Sau đó, họ tiến hành tìm kiếm các từ khóa này trên bốn nền tảng tìm kiếm sử dụng AI (trên giao diện máy tính) và ghi nhận lại kết quả.

  • 5.000 từ khóa được chọn ngẫu nhiên từ cơ sở dữ liệu của Semrush (tương tự như mẫu dùng trong nghiên cứu so sánh trước đây giữa ChatGPT Search, Bing và Google)
  • Hơn 150.000 nguồn tham khảo (citations) độc nhất được thu thập từ các nền tảng
  • Bốn nhóm mục đích tìm kiếm (search intent) có số lượng bằng nhau: tìm kiếm thông tin (informational), giao dịch (transactional), thương mại (commercial), và điều hướng (navigational)
  • Hai nhóm phân loại theo lưu lượng tìm kiếm (search volume): từ 0 – 1.000 và từ 1.001 – 10.000 lượt tìm kiếm hàng tháng
  • Bốn nền tảng được khảo sát: Google Search (xếp hạng 10 kết quả tự nhiên đầu tiên và AI Overviews), Google AI Mode, ChatGPT, Perplexity
  • Mức độ trùng lặp giữa các nguồn tham khảo và thứ hạng tìm kiếm: Khi đo lường mức độ trùng lặp giữa kết quả AI và Google, họ so sánh các nguồn mà AI trích dẫn với 10 kết quả tự nhiên hàng đầu của Google cho cùng một truy vấn.

Nghiên cứu tập trung vào các yếu tố nào?

  • Mức độ trùng lặp về văn bản (text) và liên kết (link) giữa các nền tảng
  • Sự khác biệt về độ dài câu trả lời
  • Mô hình trích dẫn nguồn thông tin

Nguồn trích dẫn từ AI chỉ trùng khớp một phần với kết quả tìm kiếm trên Google

Câu hỏi đầu tiên mà họ đặt ra là:

“Mức độ tương đồng giữa AI Mode và các mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) so với top 10 kết quả tự nhiên của Google là bao nhiêu?”

Để đánh giá điều này, họ phân tích từng truy vấn và đo lường số lượng tên miền và đường dẫn URL trùng khớp giữa mỗi nền tảng AI và top 10 kết quả tìm kiếm tự nhiên trên Google.

Mặc dù có sự trùng lặp đáng kể giữa các nguồn mà LLM trích dẫn và kết quả tìm kiếm tự nhiên của Google, nhưng mức độ này không hoàn toàn đồng nhất và nó sẽ thay đổi tùy theo nền tảng.

mức độ trùng lặp giữa trích dẫn AI và top 10 kết quả trên SERPs

  • Perplexity là nền tảng có mức độ trùng lặp cao nhất với Google, đạt hơn 91% theo tên miền và 82% theo URL. Điều này cho thấy Perplexity dựa khá nhiều vào top 10 kết quả của Google khi chọn nguồn tham khảo.
  • Google AI Overviews cũng có mức trùng lặp đáng kể, khoảng 86% theo tên miền và 67% theo URL. Điều này cho thấy AIO vẫn phụ thuộc nhiều vào chỉ mục tìm kiếm truyền thống của Google.
  • Google AI Mode có mức độ trùng lặp thấp hơn, khoảng 54% theo tên miền và 35% theo URL. Điều này cho thấy cơ chế thu thập thông tin của Google AI Mode độc lập hơn, đặc biệt là ở phần kết quả hiển thị ở sidebar (thanh bên).
  • ChatGPT có mức độ trùng lặp thấp nhất so với top 10 kết quả của Google, với tỷ lệ trùng khớp thấp nhất cả về tên miền và URL. Điều này phù hợp với nghiên cứu trước đây cho thấy ChatGPT có mức độ tương đồng với Google cao hơn so với Bing.

So sánh giữa AI Mode và AI Overviews

Trong các thông báo năm 2024, Google đã mô tả AI Overviews như một cách giúp người dùng nhận được câu trả lời nhanh chóng nhờ trí tuệ nhân tạo. Từ đó, mở đường cho chế độ AI Mode tương tác hoàn toàn ra mắt chỉ một năm sau đó vào tháng 5 năm 2025.

Mặc dù Google định vị AI Overviews như một bước chuyển tiếp đến trải nghiệm tìm kiếm thế hệ mới, nhưng trong quá trình phân tích, họ nhận thấy AI Mode đã có nhiều điểm khác biệt rõ rệt so với mô hình của AI Overviews.

Cấu trúc mặc định: Câu trả lời + Thanh bên (sidebar) chứa liên kết

Nếu bạn chưa quen với giao diện của AI Mode, thì đây là điều bạn cần biết:

giao diện Google AI Mode

Định dạng phổ biến nhất mà Semrush ghi nhận được là một câu trả lời do AI tạo ra kèm theo một thanh bên chứa các liên kết tham khảo.

Trong một số trường hợp, còn xuất hiện gói kết quả địa phương (local pack). Ở những trường hợp khác, họ nhận thấy có thêm nhiều liên kết bổ sung được hiển thị bên dưới phần trả lời chính.

Tần suất xuất hiện của từng định dạng trong AI Mode:

Tần suất xuất hiện của từng định dạng trong AI Mode:

  • 92% truy vấn trong AI Mode có thanh bên chứa các liên kết
  • 7% truy vấn hiển thị các liên kết bổ sung bên dưới phần trả lời của AI
  • 1,7% truy vấn không có bất kỳ liên kết nào
  • 13,49% truy vấn có xuất hiện gói kết quả địa phương (local packs)
  • Trung bình, thanh bên chứa khoảng 7 tên miền khác nhau, trong khi AI Overviews chỉ hiển thị khoảng 3 tên miền.

Các liên kết trong thanh bên cho thấy Google đang thử nghiệm với các nguồn tham khảo mới, trong khi các liên kết hiển thị bên dưới phần trả lời lại bám sát vào kết quả tìm kiếm tự nhiên truyền thống.

Mặc dù liên kết dưới phần trả lời chỉ xuất hiện trong 7% truy vấn, nhưng mức độ trùng khớp với kết quả tìm kiếm truyền thống của Google là rất cao.

Sự phân chia này cho thấy AI Mode đang vận hành theo hai cơ chế song song:

  • Với các truy vấn mang tính khám phá, AI Mode lựa chọn nguồn thông tin đa dạng hơn
  • Với các truy vấn cần độ chính xác cao, AI lại dựa nhiều hơn vào thứ hạng tìm kiếm truyền thống.

Cụ thể, họ nhận thấy AI Mode có xu hướng thêm các liên kết bổ sung nhất đối với các truy vấn điều hướng (navigational searches).

Truy vấn điều hướng có mức độ tương đồng cao nhất với kết quả tìm kiếm truyền thống của Google

Theo nghiên cứu, các liên kết bổ sung hiển thị bên dưới phần trả lời AI thường trùng khớp đáng kể với kết quả tìm kiếm truyền thống, nhưng điều này chủ yếu xảy ra trong các truy vấn mang tính điều hướng (navigational).

Kết quả tìm kiếm trong AI Mode hiển thị thêm các kết quả tự nhiên tùy theo mục đích truy vấn.

Điều này hoàn toàn hợp lý. Khi người dùng sử dụng Google để đi đến một trang web hoặc địa điểm cụ thể, họ thường mong muốn một danh sách các liên kết rõ ràng, thay vì chỉ nhận được một câu trả lời do AI tạo ra.

Phát hiện này có thể cho thấy sự khác biệt trong cách Google định hướng giữa AI Mode và tìm kiếm truyền thống: 

  • AI Mode phù hợp với những người đang tìm hiểu thông tin, đặt câu hỏi và so sánh các lựa chọn, khi họ chưa có quyết định cuối cùng.
  • Tìm kiếm truyền thống phát huy hiệu quả khi người dùng đã biết rõ họ muốn truy cập vào đâu.

AI Mode hiển thị nhiều tên miền độc lập hơn so với các mô hình ngôn ngữ lớn khác (LLM)

Một trong những điểm bị chỉ trích từ ban đầu đối với AI Mode là Google thiếu minh bạch trong cách điều hướng lượt nhấp và lưu lượng truy cập đến các trang web, tương tự như AI Overviews.

Gần đây, Google đã xác nhận rằng một phần dữ liệu theo dõi từ AI Mode sẽ được hiển thị trong Google Search Console. Tuy nhiên, những lượt nhấp này sẽ được gộp chung vào tổng số lượng truy cập, chứ không được tách biệt khỏi dữ liệu tìm kiếm truyền thống.

Trong nghiên cứu của Semrush, trung bình AI Mode hiển thị nhiều tên miền hơn so với các nền tảng AI khác trong kết quả tìm kiếm.

  • AI Overviews chỉ liên kết đến trung bình 3 tên miền cho mỗi truy vấn
  • AI Mode liên kết đến trung bình 7 tên miền
  • Perplexity và ChatGPT nằm ở mức trung bình giữa hai nền tảng trên

AI Mode có độ dài phản hồi tương đương với ChatGPT Search

trung bình độ dài phản hồi của AI Mode và các LLM khác

Về độ dài nội dung phản hồi, họ nhận thấy rằng AI Overviews của Google là dạng tóm lược ngắn gọn nhất trong số các nền tảng AI.

Trong khi đó, AI Mode có độ dài phản hồi gần giống với ChatGPT, với trung bình khoảng 300 từ mỗi câu trả lời.

Cách AI Mode và các LLM xử lý mục đích truy vấn

Trên tất cả các nền tảng được nghiên cứu, họ quan sát thấy rằng các truy vấn mang tính thương mại (commercial) và giao dịch (transactional) thường dẫn đến những phản hồi dài hơn và chi tiết hơn, thường gấp đôi so với các truy vấn cung cấp thông tin (informational).

Trung bình độ dài phản hồi phân loại theo search intent

Mặc dù AI Overviews nhìn chung ngắn gọn hơn các nền tảng khác, nhưng điều thú vị là phản hồi dành cho truy vấn thương mại và giao dịch đều dài hơn so với các nền tảng khác.

Gợi ý dành cho các SEOer: Hãy điều chỉnh mức độ chi tiết của nội dung theo mục đích truy vấn

  • Truy vấn thông tin: Ưu tiên sự rõ ràng và súc tích
  • Truy vấn thương mại/giao dịch: Cần mở rộng nội dung, đưa ra so sánh và giải thích kỹ lưỡng
  • Mỗi loại truy vấn cần được tối ưu hóa nội dung phù hợp với kỳ vọng của các công cụ tìm kiếm AI.

Lưu ý về mục đích tìm kiếm trong môi trường tìm kiếm AI:

Dù nghiên cứu này sử dụng bốn nhóm mục đích tìm kiếm truyền thống làm cơ sở phân tích, nhưng truy vấn do AI xử lý đang ngày càng trở nên linh hoạt và đa dạng hơn. Với các câu hỏi hội thoại, truy vấn nối tiếp và kết quả được cá nhân hóa, tìm kiếm dựa trên AI đang mở rộng phạm vi vượt khỏi khung phân loại mục đích truyền thống. Do đó, bốn nhóm này vẫn hữu ích khi đánh giá trong ngữ cảnh Google Search, nhưng các nhà tiếp thị nên chuẩn bị cho một bối cảnh tìm kiếm phức tạp hơn, đa mục đích và có khả năng cá nhân hóa cao trong tương lai gần.

Mô hình trích dẫn nguồn của AI Mode so với các mô hình ngôn ngữ lớn khác (LLM)

Biểu đồ đầu tiên trong nghiên cứu này đã cho thấy mức độ trùng lặp tổng thể giữa các nền tảng LLM và kết quả tìm kiếm của Google.

Để khám phá sâu hơn, Semrush tiếp tục so sánh dữ liệu trích dẫn giữa các nền tảng, nhằm phân tích sự liên quan giữa những nguồn được AI tham chiếuthứ hạng/tầm ảnh hưởng của nội dung đó trong tìm kiếm truyền thống.

Các nền tảng nội dung do người dùng tạo (UGC) xuất hiện dày đặc

Khi phân tích các tên miền được trích dẫn thường xuyên nhất trên bốn nền tảng AI (AI Mode, AI Overviews, ChatGPT và Perplexity), họ nhận thấy nhiều nền tảng UGC (nội dung do người dùng tạo) và mạng xã hội xuất hiện trong nhóm dẫn đầu.

top tên miền được trích dẫn trên các LLM như ChatGPT, AI Mode,...

  • Reddit đặc biệt chiếm ưu thế trên tất cả các nền tảng: AI Mode, AIOs, ChatGPT và Perplexity
  • Trong AI Mode, các trang như Reddit, YouTube và Facebook xuất hiện trong hơn 68% truy vấn có liên kết bổ sung, vượt qua cả các website thương hiệu truyền thống
  • Mapbox.comOpenStreetMap.org, hai nền tảng cung cấp bản đồ tương tác tùy chỉnh, lọt vào top 10 tên miền được trích dẫn nhiều nhất, dù hoàn toàn không có mặt trong kết quả tìm kiếm Google cho cùng các truy vấn

Việc Google ký hợp đồng dữ liệu AI với Reddit chắc chắn ảnh hưởng đến mức độ hiển thị của Reddit, và điều này nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng cao khi AI Mode được sử dụng rộng rãi hơn.

Vì sao Mapbox và OpenStreetMap lại nổi bật trong AI, dù mờ nhạt trên Google?

Một lý do quan trọng có thể là tài liệu hướng dẫn sản phẩm của Mapbox đạt giải thưởng, với nội dung:

  • Được cấu trúc rõ ràng, chuyên sâu cho nhà phát triển
  • Dễ dàng trích dẫn lại trong các phản hồi của AI

OpenStreetMap (OSM) là một dự án bản đồ mã nguồn mở nổi bật, thường xuyên được tham chiếu nhờ:

  • Liên tục được cập nhật bởi cộng đồng toàn cầu, giống như UGC
  • Cung cấp dữ liệu theo giấy phép mở (Open Database License)
  • Được sử dụng rộng rãi trong cả môi trường học thuật lẫn thương mại

Gợi ý dành cho các nhà tiếp thị:

  • Xây dựng chiến lược nội dung trên các nền tảng UGC, không chỉ tập trung vào website của bạn
  • Theo dõi và tham gia các cuộc thảo luận liên quan đến thương hiệu/ngành của bạn trên Reddit
  • Nếu bạn cung cấp sản phẩm hoặc dịch vụ kỹ thuật, hãy tạo tài liệu hướng dẫn chi tiết và dễ hiểu
  • Xem YouTube như một kênh phân phối nội dung chính, nhất là với các nội dung hướng dẫn và giới thiệu

Xếp hạng cao ở cấp độ tên miền có mối liên hệ chặt chẽ với mức độ hiển thị trong AI

Một trong những tín hiệu rõ ràng nhất trong nghiên cứu của SEMRush là: các tên miền có thứ hạng cao trong top 10 kết quả tìm kiếm tự nhiên của Google có khả năng được AI trích dẫn cao hơn đáng kể.

Mối quan hệ này xảy ra nhất quán trên tất cả các mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) mà họ phân tích. Khi số lượng truy vấn mà một tên miền xuất hiện trong top 10 tăng lên, số lần tên miền đó được AI trích dẫn cũng tăng lên tương ứng. Điều này cho thấy một mối tương quan rất mạnh ở cấp độ tên miền.

mối liên hệ giữa số lượng tên miền được AI trích dẫn và top 10 ranking trên Google

Điều này có nghĩa là nếu tên miền của bạn thường xuyên nằm trong top 10 kết quả tìm kiếm của Google, thì khả năng cao bạn cũng sẽ được trích dẫn nhiều trong các câu trả lời của AI.

tương quan không đồng nghĩa với quan hệ nhân quả, nhưng sự liên kết mạnh mẽ giữa thứ hạng tự nhiên và tần suất được AI trích dẫn cho thấy các tên miền nổi bật trong tìm kiếm truyền thống sẽ tiếp tục giữ lợi thế về mức độ hiện diện trong kết quả do AI tạo ra.

Việc xếp hạng tốt cho các truy vấn cụ thể, có tính liên quan cao giúp các mô hình LLM có nhiều lựa chọn hơn khi cần chọn nguồn tham khảo.

Các mô hình dựa trên cơ chế RAG (retrieval-augmented generation) như Google AI Mode thường bắt đầu bằng việc thu thập các kết quả có thứ hạng cao, rồi mới tiến hành phân tích và tạo nội dung trả lời cuối cùng. Đó là lý do vì sao các tên miền có thứ hạng cao thường dễ được AI Mode trích dẫn hơn.

*RAG (retrieval-augmented generation) là một kỹ thuật trong trí tuệ nhân tạo kết hợp giữa: Truy xuất thông tin (retrieval) từ cơ sở dữ liệu ngoài và mô hình sinh văn bản (generation) như GPT hoặc BERT, nhằm tạo ra câu trả lời chính xác hơn, cập nhật hơn và có thể trích dẫn nguồn.

Vì sao mối tương quan ở cấp tên miền mạnh hơn mức trùng lặp URL cụ thể giữa LLM và Google?

Mặc dù các mô hình như ChatGPT có xu hướng trích dẫn từ các tên miền uy tín đang xếp hạng cao trên Google, điều đó không có nghĩa là chúng sẽ lấy đúng các URL xuất hiện trong top 10.

Thay vào đó, LLM thường trích xuất nội dung từ các trang con khác trong cùng một tên miền uy tín. Vì vậy, chúng ta thường thấy mức độ trùng lặp cao ở cấp độ tên miền, nhưng ít trùng khớp trực tiếp về URL.

Ngoài ra, AI Mode có thể tùy chỉnh câu trả lời dựa trên bối cảnh người dùng như lịch sử tìm kiếm hoặc vị trí địa lý, nên các URL được trích dẫn có thể thay đổi theo từng người dùng.

Tìm kiếm truyền thống thường ưu tiên trang chủ hoặc nội dung trụ cột (pillar content), trong khi các LLM có xu hướng đi sâu hơn, trích dẫn các trang con, bài blog, hoặc bài viết hỗ trợ có nội dung phù hợp hơn với ngữ cảnh truy vấn.

Thực tế, nghiên cứu gần đây của SEMRush về tác động của AI đến lưu lượng truy cập SEO cho thấy đa số các URL được ChatGPT trích dẫn nằm ngoài top 20 kết quả đầu tiên của Google.

Thứ hạng của các kết quả được LLM trích dẫn

=> Kết luận rút ra: Các mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) có thể tin tưởng vào cùng một nguồn thông tin, nhưng không phải lúc nào chúng cũng trích dẫn từ cùng một trang cụ thể. 

Giải thích: Các LLM như ChatGPT, Google AI Mode, Perplexity,… có thể đều xem những nguồn như Wikipedia, Reddit, hay các trang tin uy tín là đáng tin cậy. Tuy nhiên, khi tạo câu trả lời, mỗi mô hình có thể lấy thông tin từ các trang khác nhau trong cùng một nguồn, hoặc chọn đoạn nội dung khác nhau để trích dẫn. Điều này dẫn đến sự khác biệt trong nội dung trả lời, dù cùng dựa trên một nguồn.

AI Overviews và AI Mode tiết lộ điều gì về chiến lược AI của Google

AI Overviews đã đóng vai trò như một nơi thử nghiệm cho trải nghiệm AI Mode toàn diện mà Google đang triển khai.

Tình hình hiện tại:

  • Theo dữ liệu từ Semrush Sensor, AI Overviews xuất hiện trong khoảng 15% từ khóa
  • Kết quả tìm kiếm tự nhiên trong AI Mode có mức trùng khớp 58% về URL và 88% về tên miền với AI Overviews
  • Mức trùng lặp cao về tên miền (88%) cho thấy Google duy trì sự tin tưởng ổn định vào các nguồn nội dung
  • Mức trùng lặp thấp hơn về URL (58%) cho thấy AI Mode đang áp dụng logic chọn lọc nội dung linh hoạt và đang phát triển hơn

Nếu thương hiệu của bạn đã được trích dẫn trong AI Overviews, tức là bạn đang đi đúng hướng. Tuy nhiên, AI Mode có thể trích xuất nội dung từ các trang khác nhau trong cùng một tên miền, đòi hỏi sự đa dạng và chiều sâu nội dung trong toàn bộ website.

Gợi ý thiết thực dành cho đội ngũ SEO và Marketing

Xem dữ liệu là điều cần thiết nhưng điều quan trọng hơn là hành động kế tiếp của bạn là gì?
Dưới đây là những việc nên làm dựa trên các phát hiện từ nghiên cứu:

  1. Đánh giá khả năng hiển thị trong AI Overviews bằng công cụ Semrush Organic Research. Tham khảo Công cụ đo lường AI Visibility.
  2. Rà soát chiến lược xuất hiện trên Reddit: Nền tảng này xuất hiện xuyên suốt trên tất cả các công cụ tìm kiếm AI.
  3. Không bỏ qua thứ hạng truyền thống: Dù thứ hạng tìm kiếm organic không còn dẫn đầu về lưu lượng truy cập, nhưng đây vẫn là cánh cổng dẫn đến việc được AI trích dẫn. Theo dõi song song thứ hạng trên Google, Bing và ChatGPT bằng công cụ Position Tracking
  4. Tạo nội dung có độ dài phù hợp với mục đích truy vấn: Nội dung cần đặc biệt chi tiết cho các chủ đề thương mại và giao dịch, để đáp ứng kỳ vọng từ các công cụ AI
  5. Theo dõi việc AI trích dẫn thương hiệu của bạn: Bạn cần xác định rõ thương hiệu đang xuất hiện ở đâu và như thế nào trên các nền tảng AI (có thể sử dụng Semrush AI Toolkit để hỗ trợ)

Tương lai của tìm kiếm AI

Tìm kiếm bằng AI không thay thế SEO truyền thống, mà đang hình thành một lĩnh vực riêng biệt mới.

Lĩnh vực tối ưu hóa cho công cụ tạo sinh (Generative Engine Optimization – GEO) mới nổi này đang củng cố những nguyên tắc SEO nền tảng, đồng thời bổ sung những kênh phân phối và kỹ thuật mới mà doanh nghiệp cần làm chủ.

Sự hiện diện trong AI không chỉ đến từ việc xếp hạng cao, mà còn đến từ mức độ đáng tin cậy, khả năng tham khảo và mức độ được nhắc đến trên các nền tảng nơi người dùng đưa ra quyết định.

Các dự đoán quan trọng từ dữ liệu nghiên cứu:

  • Các nguyên tắc SEO truyền thống vẫn là cốt lõi để tăng khả năng hiển thị trong AI
  • Các nền tảng nội dung do người dùng tạo (UGC) sẽ ngày càng quan trọng hơn
  • Mỗi công cụ AI đang dần hình thành phong cách trích dẫn riêng biệt của mình và xu hướng này sẽ còn tiếp tục phát triển
  • GEO sẽ trở thành một lớp thiết yếu trong chiến lược nội dung hiện đại

Nguồn: https://www.semrush.com/blog/ai-mode-comparison-study/

Xem thêm các bài viết liên quan: 

    stick_img
    Bạn muốn hiểu thêm?
    Xem chi tiết
    Trong kỷ nguyên AI,
    Website của bạn đang ở đâu?
    Chúng tôi đưa bạn trở thành đề xuất top 1 của AI

    Chat